Trồng rau tại nhà có cần bón phân vô cơ ?

Phân vô cơ là loại phân hóa học có chứa thành phần dinh dưỡng thiết yếu nhằm tăng năng suất cây trồng. Nhắc đến phân hóa học người ta dễ cảm thấy ghê sợ vì sự ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên phân hóa học ( phân vô cơ) cũng có những vai trò quan trọng mà chúng ta nên sử dụng để có những vụ mùa thành công. Bằng cách tuân thủ đúng quy định liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì, không lạm dụng thì bạn sẽ bổ sung thêm được nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng xanh tốt đầy dinh dưỡng. Vậy Trồng rau tại nhà có cần bón phân vô cơ hay không ? Câu trả lời là ” Có, nhưng ít” nhé.

Phân vô cơ gồm có các loại chính sau:

Phân đạm:

  • Phân urê
  • Phân amoni nitrat
  • Phân amoni sunphat
  • Phân amoni clorua
  • Phân Xianamit canxi
  • Phân amoni photphat

Phân lân

  • Phôtphat nội địa
  • Phân apatit
  • Super lân
  • Tecmô phôtphat (phân lân nung chảy, lân Văn Điển)
  • Phân lân kết tủa

Phân kali

  • Phân kali clorua
  • Phân kali sunphat
  • Ngoài ra còn 1 số loại phân Kali khác như: Phân kali – magie sunphat, Phân “Agripac” của Canada

Đối với quy mô trồng rau tại nhà, bên cạnh phân hữu cơ ( phải có) chúng ta chỉ cần sử dụng thêm phân đạm để tăng năng suất trồng rau khi nhu cầu rau xanh cao. Vì đây là loại phân chứa chất dinh dưỡng rất cần thiết và rất quan trọng đối với cây, trong suốt quá trình sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn cây sinh trưởng mạnh. Thúc đẩy quang hợp mạnh, cây ra nhiều lá, cành, nhánh, lá to màu xanh. Song trong nhóm phân đạm thì phân ure là phù hợp nhất cho những cây ngắn ngày như rau, dùng để bón thúc cho cây ( bón vào thời kỳ cây đang sinh trưởng mạnh – tức giai đoạn cây con đang lớn dần).

Urea Bo
Phân ure được bán rộng rãi tại các cửa hàng nông nghiệp trồng trọt

Lưu ý bón phân đạm (ure)

  • Không bón tập trung vào một lúc, một chỗ, mà cần chia thành nhiều lần, vãi đều trên mặt đất ở những nơi cần bón. Bón đúng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì, tránh bón thừa làm rau phát triển quá mạnh dễ gãy đổ, nhiều sâu bệnh, nếu cây có hạt quả thì lâu ra hoa, ít hạt, hạt lép. Lãng phí tiền mua phân đạm mà không thu được kết quả như mong đợi.
  • Cần kết hợp làm cỏ, xới đất khi bón phân đạm.
  • Bón phân vào buổi sáng trước 10 giờ sáng nhờ ánh sáng sớm giúp tăng hiệu quả bón phân.
  • Dừng bón phân trước thời điểm thu hoạch ít nhất 2 tuần để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Có một số quan niệm cho rằng trồng rau sạch là không bón phân hóa học là chưa đúng. Vì thực tế gây hại của phân hóa học là do vì lợi ích kinh tế mà bón quá nhiều để tăng trưởng nhanh, thu hoạch sớm không đảm bảo thời gian thu hoạch an toàn, do đó gây nguy hại mà báo đài vẫn hay đề cập. Song nếu để cây phát triển theo ” tự nhiên” mà không chăm sóc thêm dinh dưỡng cũng như nuôi một đứa trẻ, nó sẽ vẫn lớn nhưng còi cọc, thấp bé. Rau trồng cũng vậy, bón thêm phân vô cơ bên cạnh phân hữu cơ ( chứa lượng dinh dưỡng chính) để thúc đẩy cây phát triển toàn diện và thành quả thu được sẽ là những luống rau xanh mướt ngon ngọt, đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng yên tâm vẫn an toàn cho người sử dụng khi bón đúng cách và đủ liều lượng.